Thông tin chung

Với độ cao trung bình so với mặt nước biển là 560 m, diện tích rừng chiếm gần 37% diện tích đất tự nhiên, Đà Bắc có khí hậu trong lành, mát mẻ. Trong đó, khu bảo tồn rừng Pu Canh, diện tích trên 500 ha, với thiên nhiên hoang sơ của cánh rừng đại ngàn ẩn chứa bao điều kỳ thú và độc đáo. Nơi đây có đỉnh núi cao nhất Hoà Bình 1.373 m. Chinh phục được đỉnh núi, du khách sẽ ngỡ ngàng trước phong cảnh sơn thuỷ hữu tình của toàn bộ thượng lưu hồ sông Đà thuộc tỉnh Hoà Bình. Tại đây, du khách có thể tham gia các tuyến du lịch đi bộ, du lịch mạo hiểm, nghiên cứu khoa học… chiêm ngưỡng thác Tà Khớp luôn tung bọt trắng xoá. Tài nguyên du lịch tự nhiên của Đà Bắc còn phong phú, hấp dẫn với suối Láo, hang Mưa, hang Sưng xã Cao Sơn, hang Sấm xã Toàn Sơn; động Hương Lý (xã Tu Lý); rừng, núi Biều, hang Lỗ Làn, vịnh Hiền Lương tại xã Hiền Lương…

Bên cạnh đó, tài nguyên du lịch nhân văn với những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể độc đáo là tiềm năng du lịch lớn. Đền Thác Bờ thuộc xã Vầy Nưa đã được du khách muôn phương biết đến là điểm du lịch văn hoá tín ngưỡng có truyền thống. Bản, làng dân tộc Dao, Tày, Mường tại các bản Sưng, Thùng Lùng, Nhạp, Lăm, Thượng, Rãnh thuộc các xã Cao Sơn, Tân Pheo, Đồng Chum, Đoàn Kết, Đồng Ruộng, Toàn Sơn còn lưu giữ những nét văn hoá đặc trưng của từng dân tộc. Du khách có thể khám phá, tìm hiểu các phong tục, tín ngưỡng, trang phục, ẩm thực, lễ hội… của đồng bào. Họ là những người sống chan hoà, mến khách và gần gũi với thiên nhiên. Du khách cũng có thể tìm hiểu lịch sử cách mạng tại căn cứ Tú Lương (xã Hiền Lương-Tu Lý), Căn cứ Mường Diềm (xã Trung Thành), Đài tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Triệu Phúc Lịch, Đội Du kích Toàn Sơn (Dốc Tra, xã Toàn Sơn) hay khám phá những di chỉ khảo cổ tại hang Hủi (xã Hiền Lương), hang Dơi (xã Vầy Nưa), hang Oi Luông (xã Tiền Phong)...

Đầu tháng 11/2009, UBND tỉnh đã đồng ý cho Công ty CP Du lịch Hoà Bình mở tour du lịch đi bộ 4 ngày 3 đêm tuyến TP Hoà Bình – Pu Canh – vùng hồ Hoà Bình qua các bản dân tộc Mường, Tày, Dao. UBND huyện mới đây cũng đã đồng ý để Công ty CP Đầu tư du lịch hồ sông Đà đầu tư dự án Khu du lịch thiên nhiên hoang dã Robinson tại đảo Sung, xã Tiền Phong. Đây là những bước đi đột phá ban đầu nhằm đánh thức những tiềm năng du lịch còn tiềm ẩn.

Dựa trên những tài nguyên sẵn có, huyện đã phối hợp với Công ty CP Xây dựng và Đầu tư khu du lịch sinh thái Cavico xây dựng quy hoạch tổng thể du lịch huyện giai đoạn 2006 – 2020. Qua đó, đánh giá tài nguyên, hiện trạng du lịch của huyện và đưa ra quy hoạch, các giải pháp thực hiện. Theo đó, ngành du lịch và dịch vụ của huyện chưa phát triển. Khách đến Đà Bắc chủ yếu là công vụ. Các cơ sở lưu trú, vui chơi, giải trí, hội nghị còn thiếu. Cơ sở vật chất như điện, đường, nước, thông tin liên lạc; số lượng, chất lượng lao động du lịch còn kém; sản phẩm du lịch nghèo nàn. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế. Các dự án đầu tư trên địa bàn còn mang tính nhỏ lẻ, thiếu hệ thống và không gắn liền với quy hoạch phát triển ngành du lịch. Hiện chỉ có các tour du lịch nhỏ lẻ đến Đà Bắc thông qua các tổ chức du lịch ngoài huyện. Năm 2009, huyện Đà Bắc đón 15.488 lượt khách, nhưng chủ yếu là khách đến đền Thác Bờ và hầu như không lưu trú lại.

Trước tiềm năng và hiện trạng đó, bản quy hoạch đã đưa ra những quan điểm, định hướng phát triển du lịch theo không gian, lãnh thổ với 5 cụm du lịch; theo các tuyến với các loại hình du lịch gắn với thiên nhiên, văn hoá. Vấn đề đầu tư, tôn tạo tài nguyên du lịch, cải thiện kết cấu hạ tầng; đổi mới và đa dạng hoá sản phẩm du lịch; sự phối hợp đồng bộ, hợp lý các dự án chính sách có trọng điểm để có một sức mạnh tổng hợp làm du lịch đã được đề cập đến. Công tác xúc tiến đầu tư du lịch và các dự án ưu tiên đã được đưa ra.

Hội viên

Công ty Đà Bắc CBT

Hội viên chính thức

Khu du lịch Đền Bờ

Hội viên chính thức

Khu du lịch Đảo Dừa

Hội viên chính thức

Địa điểm

Điểm du lịch cộng đồng xóm Ké

Xóm Ké, Hiền Lương, Đà Bắc

Điểm du lịch cộng đồng xóm Sưng

Xóm Sưng, Cao Sơn, Đà Bắc

Điểm du lịch cộng đồng Mó Hém

Xóm Đoàn Kết, Tiền Phong, Đà Bắc